Câu lạc bộ Người cao tuổi

Chia sẻ kiến thức chăm sóc người lớn tuổi

September 23, 2019 By Linh Hà

Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng

60 chưa phải là già

60 là tuổi mới qua dậy thì

65 hết tuổi thiếu nhi

70 là tuổi mới đi vào đời

75 là tuổi ăn chơi

80 là tuổi yêu người, yêu hoa

Những câu thơ đó tôi đã từng nghe rất nhiều đâu đó, nhưng chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa cho tới giờ này, ngay tại Diên Hồng thân yêu, nghe thấy các cụ đang cùng đọc cho nhau nghe và cười đùa vui vẻ, bất chợt trong giây phút ấy chẳng ai còn thấy mình đang ở cái tuổi xế chiều, khoảnh khắc đó khiến lòng tôi lắng xuống và dường như đã ngộ ra ý nghĩa sâu thẳm trong các câu thơ mà mình vừa nghe.

Người ta nói “Đời người 2 lần trẻ con” thực chẳng sai. Có sống, gắn bó với các cụ bấy lâu mới thấy thật thấm câu nói đó. Các cụ ở Diên Hồng người vài ba năm, người vài tháng nhưng sự thật thì ai cũng có một quá khứ hào hùng, một ngày xưa oanh liệt. Qua những lời tâm sự của các cụ hằng ngày, qua những lời kể, lời nói chuyện của con cháu mỗi khi tới thăm mà chúng tôi hiểu được. Cụ ông móm mém, tay run ngồi cạnh tôi đây cũng một thời đánh Đông dẹp Bắc, cụ bà, cụ ông đang lẫn lộn, chân ko đi lại được kia cũng một thời là ông nọ bà kia, điều đó khiến tôi ngưỡng mộ, trân trọng và yêu quý vô cùng. Nhưng thời gian tàn khốc đã biến người hùng một thời, chiến sĩ quả cảm chưa từng khuất phục trước bất kỳ tên giặc xâm lăng nào trở thành 1 “đứa trẻ” đúng nghĩa. Khi mà từ việc nhỏ nhất như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự uống nước cũng ko làm được, cũng cần tới bàn tay của các điều dưỡng chúng tôi, dẫu biết đó là quy luật của tạo hoá mà trong lòng vẫn gợn buồn man mác. Và dẫu biết có vậy thì các cụ mới cần tới bàn tay chăm sóc của chúng tôi – những điều dưỡng viên tận tâm, nhiệt tình và trách nhiệm, những con người làm công việc chăm sóc người già bằng cả trái tim và tuổi trẻ.

Sau gần 5 năm gắn bó, cùng ăn, cùng chơi, cùng vui cùng buồn với các cụ có cảm giác nào, có cảm xúc nào mà tôi chưa từng trải qua. Tất cả đều in sâu trong tâm trí, như một phần của tuổi trẻ, để mỗi khi có cơ hội là nhớ lại, là lại kể cho nhau nghe.

Đau đớn nhất là cảm giác bất lực khi chứng kiến một cụ bà, người mà tôi yêu mến, quý trọng ra đi theo Lệnh của Diêm vương vì tuổi cao sức yếu, cũng biết Sinh, Ly, Tử, Biệt là quy luật bất biến của tạo hoá, nhưng sao vẫn thấy đau xót như mất đi chính người thân của mình vậy.

Cảm giác phấn khích đến tột cùng khi chăm sóc cho một cụ bà từ khi ăn sonde, nằm liệt và tiến bộ từng ngày từng ngày, sau đó cụ đi lại được, ăn được cơm, sống khoẻ sống tốt như có 1 phép màu vô hình nào đó. Đó cũng là câu chuyện chúng tôi truyền tai nhau và còn nhắc mãi tới về sau. Nhiều người vẫn hay hỏi trong cuộc sống này có cái gọi là “phép màu” không? Với tôi “phép màu” chính là sự cố gắng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, là niềm tin về điều tốt đẹp mà cả chúng tôi và bản thân của cụ tạo ra. Và tất cả được đền đáp bằng 1 thân thể khoẻ mạnh, tự đi lại được, tự ăn tự uống, tự làm điều mình thích.

Thật tuyệt vời phải không ạ.

Và cảm xúc bất ngờ, hoan hỷ khi nghe 1 cụ báo tin cháu đích tôn của cụ đã đỗ vào 1 trường đại học danh tiếng. Hay cảm xúc bị trùng xuống khi nghe 1 cụ buồn bã tâm sự là cụ nhớ con, nhớ cháu, tuần này con cụ bận quá không vào thăm cụ đc.

Rồi cảm xúc vừa hân hoan, vừa lo lắng khi có đôi cụ sống cô đơn bấy lâu nay, giờ trót dành tình cảm cho nhau rồi cũng có ghen tuông, hờn giận.

Tất cả đã trở thành một phần cuộc sống của tôi.

Thanh xuân của các bạn là gì? Còn thanh xuân của tôi gói gọn trong tiếng “Ông ơi, ông à. Bà ơi, bà ạ. . .”.  Và việc ở bên chăm sóc các cụ Diên Hồng ở cái tuổi xế chiều chính là 1 phần thanh xuân mà tôi muốn có, muốn gắn bó và lưu giữ.

 

 

 

Filed Under: Viện dưỡng lão

June 13, 2017 By quantrivien

Ở viện dưỡng lão, người già sẽ được chăm sóc tốt hơn

Tôi và bố mẹ tôi đã nghĩ và rất quan tâm đến vấn đề viện dưỡng lão cho người già ở Việt Nam từ khi bà nội tôi bị bệnh nhũn não, phải nằm liệt giường 18 năm trước khi chết. Mấy năm đầu, con cháu chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc. Sau đó, bố mẹ tôi thuê một cô từ Bạc Liêu chăm bà ngày đêm do mẹ tôi sức khỏe suy yếu, không thể nâng được bà lên khi cần, còn tôi lập gia đình và đi xa.

Bà ngoại tôi cũng nằm liệt giường 1 năm trước khi chết. Cậu và dì tôi cũng thuê một cô bé từ quê lên trông bà vì cả hai phải đi làm suốt ngày. Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy thương xót bà vô tận. Bà nằm ở một phòng trên lầu 3, hằng ngày cô người làm lên đưa cơm 3 lần. Còn mọi việc vệ sinh cá nhân thì hầu như không ai giúp đỡ nên căn phòng và giường luôn tỏa ra một mùi khai, thối hơn bất kỳ một nhà vệ sinh công cộng nào tôi từng gặp.

Tôi không trách cậu dì tôi vì họ phải đi làm rất vất vả, mỗi ngày đến tận khuya mới về, có khi qua đêm, nên lúc về đến nhà họ đã mệt lử, lại còn chăm sóc con cái. Những nguời con khác của bà đều ở xa, nên chỉ có thể về thăm 1-2 lần một năm. Cô người làm thì còn quá trẻ, nên sợ bẩn và không quen chăm người bệnh.

Mỗi lần bước vào phòng bà, tôi đều tự hỏi nếu bà được ở trong một căn phòng sạch sẽ, có người thăm hỏi, hẳn bà sẽ sống lâu hơn và con cháu đỡ xót xa hơn. Lúc đó bố tôi và tôi đã nghĩ đến việc lập một viện dưỡng lão cho người già, nhưng kế hoạch không được thực hiện, vì chúng tôi biết quan điểm về viện dưỡng lão ở Việt Nam còn có nhiều đối lập. Có thể rất nhiều nguời muốn gửi bố mẹ già vào viện dưỡng lão, có thể trả tiền cho dịch vụ này, nhưng dư luận xã hội sẽ ngăn cản họ.

Hiện tôi sống ở Mỹ. Bố chồng tôi mới được chuyển vào viện dưỡng lão, hằng ngày tôi đưa mẹ chồng đến thăm cụ. Tôi quan sát và thấy rất rõ những ưu điểm của viện dưỡng lão nên muốn chia sẻ cùng độc giả Việt Nam.

Hằng ngày vào mỗi buổi sáng, tất cả bệnh nhân đều được thay quần áo và vệ sinh cá nhân trước khi ăn sáng với sự giúp đỡ của hộ lý. Phòng ở có 2 giường cho 2 bệnh nhân hay là phòng riêng tuỳ theo số tiền bệnh nhân có thể trả. Sau khi ăn sáng, các cụ có thể nghỉ tại phòng hay tham gia sinh hoạt chung tại phòng cộng đồng, ở đó có TV, cờ tường, sách, tạp chí, cà phê, hoặc những trò chơi khác.

Tất cả các cụ đều được bác sĩ khám định kỳ thường xuyên. Vào mùa hè, vài ngày trong tuần, hộ lý đưa các cụ ra ngoài vườn hóng gió, ngắm cảnh. Mùa đông các cụ được xem phim, chơi trò đố chữ…

Tôi đến viện hằng ngày, nhưng chưa bao giờ có cảm tưởng đó là viện dưỡng lão hay bệnh viện, vì tất cả hành lang, phòng các cụ đều luôn rất sạch sẽ thơm tho và được trang trí đẹp mắt. Mỗi ngày lễ hội, viện đều tổ chức tiệc cho các cụ.

Vì trước khi vào viện dưỡng lão, chúng tôi đã tự tay chăm sóc, sau đó thuê người làm cùng chăm ông cụ, nên bây giờ tất cả con cháu và chính mẹ chồng tôi đều phải thừa nhận rằng ông cụ không thể được chăm sóc tốt như thế nếu như vẫn ở nhà. Lý do đơn giản là chúng tôi và người giúp việc đều không phải là hộ lý chuyên nghiệp, được đào tạo và có kinh nghiệm để chăm sóc nguời bệnh. Chưa kể đến con cái lại còn rất nhiều trách nhiệm khác như công việc, gia đình… Ở viện dưỡng lão, tất cả mọi việc đều được lập thành quy trình và được chuyên môn hóa, nên dịch vụ được đảm bảo tốt. Các loại bệnh khác nhau được chia ra các khu khác nhau để đảm bảo quy trình và thủ tục chăm sóc cho phù hợp.

Có lẽ khó khăn nhất của việc mở ra viện dưỡng lão ở Việt Nam bây giờ là sự cân bằng giữa khả năng chi trả cho dịch vụ này và chất lượng dịch vụ của viện dưỡng lão. Ở Mỹ, hầu hết người già tự trả cho dịch vụ này từ tiền tiết kiệm hoặc trợ cấp xã hội. Có một số người bán nhà rồi vào viện ở cho đến khi chết. Hằng ngày con cái vẫn đến thăm hỏi. Nếu bạn muốn tìm một viện dưỡng lão tốt ở Hà Nội, hãy đến thử Diên Hồng bởi tôi thấy không khác gì các viện dưỡng lão tốt ở nước ngoài.

Filed Under: Viện dưỡng lão

Recent Posts

  • Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng
  • Người thầy không đứng bục giảng
  • Học cách chăm sóc người cao tuổi chu đáo như ở Nhật
  • Khô mắt ở người già – Làm sao để phòng bệnh
  • Bài học năm “không” ba “có” cho người cao tuổi

Categories

  • Chăm sóc sức khoẻ
  • Tâm lý Người cao tuổi
  • Uncategorized
  • Viện dưỡng lão

Archives

  • September 2019
  • August 2019
  • January 2018
  • December 2017
  • July 2017
  • June 2017
  • May 2017
  • April 2017
  • January 2017
  • August 2016

Meta

  • Log in
  • Entries RSS
  • Comments RSS
  • WordPress.org

Copyright © 2022 · WordPress · Log in